logo
Tin tức

90% TÒA NHÀ THƯƠNG MẠI KHÔNG TÍCH HỢP THIẾT BỊ TÍCH HỢP NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Tin tức thị trường
| 01/11/2022
anh-tin-tuc

Khoảng 80-90% các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại Việt Nam không tích hợp sử dụng năng lượng tái tạo vào khâu thiết kế cơ bản và vận hành.

Thông tin này được đại diện dự án an ninh năng lượng đô thị Việt Nam (thuộc Cơ quan phát triển Mỹ, USAID) nêu tại cuộc họp về tìm kiếm các dự án, mô hình phát triển năng lượng phân tán tiên tiến, chiều 12/4.

Các chuyên gia cho rằng, đây là sự lãng phí lớn, gây áp lực với hệ thống cung cấp năng lượng. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn là một bài toán nan giải gây ô nhiễm gia tăng.

Đại diện dự án năng lượng đô thị (thuộc USAID) chia sẻ tại cuộc họp ngày 12/4 về tìm kiếm mô hình, dự phát triển năng lượng phân tán tại Đà Nẵng, TP HCM.Ảnh: Minh Anh

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó giám đốc Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam cho rằng, việc tích hợp các tấm pin mặt trời trên mái nhà các toà nhà thương mại, nhà ở cao tầng ở đô thị tại Việt Nam hạn chế bởi công năng phần mái, phần lớn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông, việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên các phân xưởng, nhà ở riêng lẻ là hoàn toàn khả thi. Còn việc sử dụng pin tích năng hoặc hệ thống lưu trữ điện (BESS) để hạn chế cắt giảm công suất năng lượng mặt trời, ông Tuấn Anh nói, rất cần thiết và cần triển khai rộng rãi. Trở ngại của giải pháp này là vấn đề chi phí đầu tư và thu hồi vốn.

Đây cũng là lý do dự án của USAID lựa chọn một dự án thí điểm BESS trong giai đoạn 1, để xem xét khả năng thu hồi vốn thế nào với điều kiện tại Việt Nam. “Để hệ thống này phát triển, ông Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế và các giải pháp phát triển dịch vụ phụ trợ cho lưới điện…”, ông gợi ý.

Theo bà Ella Hoxha, Giám đốc Dự án An ninh Năng lượng Việt Nam (thuộc Cơ quan Phát triển Mỹ, USAID), để đảm bảo một tương lai bền vững cho các đô thị Việt Nam, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị “xanh” là rất quan trọng.

“Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho người dân thành phố”, bà Hoxha nhận xét.

Dự kiến, khoảng 20 dự án thí điểm kinh doanh hoặc mô hình tài chính mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, thuộc các lĩnh vực như giao thông vận tải, hiệu quả sử dụng điện tại các toà nhà, phát điện, cung cấp và quản lý điện, nước… sẽ được USAID tài trợ phát triển tại Đà Nẵng, TP HCM.

Anh Minh

Nguồn: Vnexpress.net

Có thể bạn quan tâm




© CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ZENGROUP