Đây là một trong số mục tiêu nêu tại Nghị quyết 54 cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, được Chính phủ ban hành ngày 12/4.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Trong từng ngành hay giữa các ngành, lĩnh vực với nền kinh tế sẽ hình thành được cơ cấu hợp lý trong 5 năm tới. Một số ngành kinh tế chủ lực có chuyển biến thực chất về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng…
Mục tiêu, chỉ tiêu cơ cấu lại kinh tế 2021-2025
Chỉ tiêu | Mục tiêu |
Tăng năng suất lao động bình quân | 6,5%/năm |
Bội chi ngân sách bình quân | 3,7% GDP |
Quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu | 85% GDP |
Dư nợ thị trường trái phiếu | 47% GDP |
Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp | 20% GDP |
Chi cho nghiên cứu khoa học, công nghệ | 1% GDP |
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ | 15%/năm |
Trái phiếu doanh nghiệp vừa qua được xem là một kênh huy động vốn hấp dẫn và phát triển “nóng” trong năm ngoái, với quy mô huy động khoảng 682.000 tỷ đồng (khoảng 11,5% GDP năm 2021).
Việc nhà chức trách xử lý một số vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tuần qua, đặc biệt là vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và thông điệp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về chấn chỉnh thị trường trái phiếu, đấu giá đất và chứng khoán cho thấy những quyết tâm “cải tổ” lại thị trường này.
Cùng với tăng quy mô dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ nhấn mạnh việc phát triển thị trường tài chính. Giải pháp đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức vi mô, tư vấn tài chính, xếp hạng tín nhiệm… sẽ do Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng.
Bộ này cũng được yêu cầu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Khả năng có luật riêng về đầu tư mạo hiểm hay không, được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, trình Thủ tướng năm nay hoặc năm sau.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ đặt mục tiêu có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 45% là doanh nghiệp vừa và lớn. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%, và tối thiểu có 5-10 sản phẩm quốc gia đạt thương hiệu quốc tế.
Đến 2025, cả nước có 35.000 hợp tác xã, trong đó hơn 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ nông sản; khoảng 50% liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Trước đó, trong kế hoạch đưa ra giai đoạn 2016-2020, Chính phủ từng đặt kế hoạch có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nhưng thực tế không đạt kỳ vọng. Tới cuối năm 2020, cả nước có khoảng 850.000 doanh nghiệp.
Anh Minh